Tính cách Hoàn_Y

Y tính khiêm tốn, trong sạch, dẫu có công lớn, nhưng trước sau không đổi. Y giỏi âm nhạc, nắm hết cái hay đương thời, được khen là “Giang tả đệ nhất”. Y có cây địch (sáo ngang) Kha Đình (柯亭笛) do Thái Ung chế tác, luôn dùng nó để thổi. Danh sĩ Vương Huy Chi (con trai thứ 5 của Vương Hy Chi) trở về kinh sư, đỗ thuyền bên bờ Thanh Khê. Y ở trên bờ đi ngang qua, khách trong thuyền gọi tên lúc nhỏ của ông mà rằng: “Đây là Hoàn Dã Vương đấy.” Hai người vốn không quen nhau, nhưng Huy Chi lại khiến người nói với Y rằng: “Nghe nói anh giỏi thổi địch, thử làm một bản xem sao.” Y bấy giờ đã hiển hách, nhưng vốn nghe tiếng của Huy Chi, nên vẫn xuống xe, ngồi ghế xếp (hồ sàng) thổi lên 3 điệu, dứt nhạc liền lên xe bỏ đi. Rốt cục hai người không nói với nhau lời nào. [1] [6]

Bấy giờ con rể của Tạ AnVương Quốc Bảo mưu cầu lợi ích, không giữ hạnh kiểm; An ghét cách làm người ấy, luôn ức chế hắn ta. Cuối đời, Tấn Hiếu Vũ đế thích rượu ham sắc, còn Cối Kê vương Tư Mã Đạo Tử hôn ám quá lắm, chỉ gần gũi kẻ siểm nịnh. Vì vậy Quốc Bảo gièm pha, a dua để ly gián vua tôi, nhằm vào công danh đang vào lúc cực thịnh của An, gây ra hiềm khích giữa An với anh em hoàng đế. Lần nọ đế triệu Y ăn tiệc, có An ngồi hầu. Đế mệnh Y thổi địch, ông tỏ vẻ thuận theo, lập tức thổi 1 khúc nhạc, rồi buông địch nói: “Thần đàn tranh không bằng thổi địch, nhưng tự thấy đủ để diễn xướng, xin phép vừa đàn vừa hát, còn xin thêm một người thổi địch.” Đế chuộng giai điệu thư sướng ấy, liền sắc ngự kỹ thổi địch. Y lại nói: “Người của nội phủ phối hợp với thần ắt không tốt, thần có đứa ở, giỏi cùng nhau diễn tấu.” Đế càng thích thái độ thẳng thắn ấy, bèn cho triệu kẻ ấy. Đứa ở thổi địch, còn Y gảy tranh mà ca bài Oán ca hành: “Vi quân kí bất dịch, vi thần lương độc nan. Trung tín sự bất hiển, nãi hữu kiến nghi hoạn. Chu Đán tá Văn Vũ, Kim Đằng công bất khan. Thôi tâm phụ vương chánh, nhị thúc phản lưu ngôn.” (tạm dịch: Làm vua đã không dễ, làm tôi thật cũng khó. Việc trung tín không rõ, thì phải chịu nghi ngờ. Chu Đán giúp Văn, Võ, kim đằng không bỏ mất. Dốc lòng giúp nhà vua, hai em đồn làm phản.) Giọng hát và điệu nhạc khẳng khái, cả hai đều tuyệt hay. An chảy nước mắt ướt đẫm vạt áo, bước ra khỏi chỗ ngồi đến bên Y, vuốt râu của ông mà nói: “Sứ quân chuyến này bất phàm.” Đế rất lấy làm hổ thẹn. [lower-alpha 3] [1]

Sau trận Phì Thùy, Y giành được 100 bộ trang bị kỵ binh, 500 bộ khải giáp bộ binh của quân đội Tiền Tần, đều để lại Tầm Dương chứ không đem về kinh. Y đã làm sẵn tờ biểu, lệnh cho con trai sau khi mình mất thì dâng lên triều đình, xin nộp lại số chiến cụ ấy. Triều đình giáng chiếu khen ngợi lòng trung thành của Y và thu nhận. [1]